Wednesday, December 20, 2017

Những tư liệu riêng. Ghi cho các cháu Tuấn, Minh.

Gửi cháu Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Hải Minh.

Chú viết ra đây những tư liệu mà chú biết được về dòng họ Nguyễn Quang ở thôn Hậu Xá nơi có nhà thờ Họ ta. Hai cháu đọc và tham khảo thêm nhé.

Xuất phát điểm của dòng họ là từ cụ tổ Nguyễn Quang Diệu, cụ có hai bà vợ. Hiện nay mộ của cụ ông và của bà cả vẫn đang ở Hậu Xá và ngày giỗ cụ ông là 14 tháng 4, của cụ bà cả là 18 tháng 8.


Trong gia phả có viết lý do cụ ông dẫn bà cả và các con đi về phía nam, bà hai và một người con trai ở lại quê trông coi hương hỏa. Từ đó hình thành chi nhánh gọi là nhánh đi về phía Nam (Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Phủ lý).

Về nhánh đi về phía Nam, đến đời thứ 4, cụ Nguyễn Tuyên thì gia đình con cháu đều phương trưởng, kinh tế phát đạt, nhiều người làm quan, có học thức... Về việc xây nhà thờ, lúc sinh thời mẹ chú hay nhắc đi nhắc lại chuyện Cụ cho chở 3 thuyền ván đinh gỗ lim từ Thanh Hóa ra dựng nhà thờ. Sau này, chú biết được rằng đó là 3 nhà thờ. Một ở Hậu Xá (nhà thờ bây giờ), hai ở làng Nghi Tàm quê của bà cả, và ba là ở cuối phố Hàn Thuyên (hay Hàng Song), Nam Định. Ở Nghi Tàm thì hình như con cháu sau này không ai biết cụ thể ở đâu, còn ở Nam Định thì bị ném bom mất hẳn (chú cũng không rõ là bom Pháp hay bom Mỹ).

Mộ chí của cụ Nguyễn Tuyên và ba bà vợ hiện chưa thấy ai biết. Vừa rồi, nhân chuyến về dự đám cưới cháu Tiến (con trai Tuấn) mọi người có nói chuyện và tất cả rẽ xe lên núi Gôi nơi mà theo bác Khải nghe nói là mộ cụ ở đó. Tại đây cháu Thái có nói là ngày xưa không nhớ ông Oanh hay ông Doanh đã dẫn cháu đến thăm, hồi cháu còn lái xe. Mộ ở sườn núi, có bia ghi chữ hán.

Ở quê, hiện nay, có nhiều ngôi mộ ghi là mộ tổ họ Nguyễn Quang. Việc thống nhất ghi như thế là do ý bác Khải đã đưa ra bàn giữa mấy anh em và việc thực hiện đồng nhất là vào năm 2015. Ghi là Mộ Tổ là bởi không biết chính xác là của ai, chỉ biết là mộ của người xưa trong họ.

Riêng có ngôi mộ lớn bên bờ ao. Ngôi mộ này được truyền lại là thuộc họ Nguyễn (dân trong làng hay gọi là họ Nguyễn làm quan), lại được gắn với câu chuyện thày phong thủy người tàu, lại có vẻ phát... nên hồi bác Cảnh về đã thống nhất cho xây quây rộng 99 m2 và đề là Mộ tổ họ Nguyễn Khánh. Mộ này nay cũng đã được thay bia thành Mộ Tổ Nguyễn Quang.

Mộ này còn được gắn với truyền thuyết quyển sách, cái bút gì đó, chú không biết rõ.

Tóm lại, từ đời thứ 4 trở về trước thì chỉ có mộ CỤ TỔ ÔNG và mộ CỤ TỔ BÀ là xác định.

Bây giờ nói đến đời thứ 5, mà chú thì gọi là Ông Bà Nội.

Cụ Nguyễn Tuyên (đời thứ 4) có 3 bà vợ và sinh thành được tổng cộng 12 người con (7 trai, 5 gái).
Ông nội chú là con trai của bà thứ 3 và là con trai thứ 7 trong gia đình nên cũng hay được gọi là cụ Bảy. Cụ có tên là Nguyễn Văn Huỳnh và Nguyễn Quang Oánh.
Ông nội lấy bà Lê Thị Tạm, người làng bên và sinh cơ lập nghiệp ở Nam Định, rồi Ninh Bình. Ông bà có 3 người con là bác Oanh, bố Doanh, và một cô là Khánh. Mộ của Bà trước đặt ở làng bên, quê Bà, mộ của Ông ở Ninh Bình, sau được bác Oanh và Bố Doanh đưa về quê, quy tập cả bà về chung một ngôi. Đây là ngôi mộ mà hàng năm chúng ta về thắp hương.
Ngôi mộ này được xây lại năm 1993, người thực hiện là chú Dong, bố cháu Kha có trong ảnh. Và chú là người thực thi việc chỉ đạo. Khuân mẫu, cách xây giống mộ của Bố chú ở Hà nội, lấy chắc chắn, bền lâu làm trọng. Dòng chữ ghi ngày thực hiện sau mộ là chính tay chú viết.
Hồi đấy bác Cảnh, bác Chương còn đang công tác nên bận, chú sau khi từ nước ngoài về thường đi cùng ông Oanh về quê. Mỗi lần về quê ông Oanh ngoài đến nhà thờ thường có mặt tại nhà chú Dong, nhà anh chị Tường (gọi theo chú) và một nhà bên phải nhà thờ, một nhà chếch phải trước nhà thờ.

Rất tiếc là năm tháng qua đi, nhiều chuyện đã không được ghi lại. Hai ông anh chú thì lại ra đi hơi sớm. Thôi thì nhớ gì viết nấy, gửi hai cháu tham khảo, bổ sung cho hiểu biết của mình về dòng họ mà các cháu được sinh ra.

Chú vẫn hay tự hỏi làm sao mà ngày xưa, đường xá cách trở, phương tiện liên lạc khó khăn nhưng anh em họ hàng thấy rất gắn kết. Tận 5, 6 đời qua đi mà Bác Oanh và Bố chú vẫn mang mộ Ông Bà về quê. Có thể khó khăn vậy nhưng các cụ vẫn năng đi lại. Ví như ngày xưa, gia đình ông Oanh, ông Doanh tháng nào cũng gặp nhau ít nhất một lần. Bản thân chú với bác Chương, tuần không rẽ vào nhau một lần không yên tâm...

Chú gửi nội dung này lên blog để dễ trình bày và cũng để lưu trong cùng một chỗ với dòng họ NGUYỄN QUANG. Địa chỉ: http://honguyenhauxa.blogspot.com/2017/12/nhung-tu-lieu-rieng-ghi-cho-cac-chau.html