Tuesday, May 12, 2015

Tư liệu Phần III. HỌ NGUYỄN DI VỀ NAM ĐỊNH

Tư liệu Gia Phả họ Nguyễn thôn Hậu Xá
Tham gia vào việc ghi chép thống kê biên soạn thành gia phả và lưu lại cho đời sau con cháu có:
  1. Cụ Nguyễn Đại Hữu - tự Khắc Tráng, chi thứ 1. đời thứ III. (Đệ Tam Đại).
  2. Cụ Nguyễn Dụng Tân, chi thứ 2. đời thứ V. (Đệ Ngũ Đại).
  3. Về sau này các tư liệu thuộc các chi được bổ sung thêm do các Cụ: Nguyễn Khánh Đắc, Nguyễn Quang Đường, Nguyễn Đình Oanh đời thứ VI. (Đệ Lục Đại).
  4. Trong thời kỳ hai cuộc chiến đã có sự phiêu bạt đi khắp nơi trong nước và trên thế giới. Người tập hợp được nhiều thông tin nhất là các anh: Nguyễn Phú Gia, Nguyễn Quang Khải, và Nguyễn Tăng Cảnh thuộc đời thứ VII. (Đệ Thất Đại).
Trên đây là ảnh chụp màn hình file Excel mà anh Nguyễn Phú Gia đã tạo ra để ghi chép, thống kê các thành viên trong Họ. Nhìn vào đây ta thấy một công việc tỉ mỉ, mất nhiều công sức, không thể một sớm, một chiều mà xong ngay được. Cây phả hệ hiện có sử dụng hầu hết các thông tin thống kê có được từ file Excel này.

Phần tư liệu sau đây chính là nói về Cụ Tổ Nguyễn Quang Diệu và hậu duệ được trình bày trong 2 CÂY PHẢ HỆ. Và hàng năm, nhà thờ tổ tại Hậu Xá làm lễ giỗ tổ chính là ngày mất của Cụ Ông Nguyễn Quang Diệu (14 tháng 4) và ngày mất của Cụ Bà họ Lê (18 tháng 8).

HỌ NGUYỄN DI VỀ NAM ĐỊNH
ĐỆ NHẤT ĐẠI

Cụ Nguyễn Quý Công húy Quang Diệu (Quang Chạc), hiệu Nhân Đức.
Sinh năm Đinh Sửu (1757) Cảnh Hưng 18, mất ngày 14 tháng 4 giờ Mùi năm Ất Dậu (1825) dưới thời Minh Mạng, thọ 69 tuổi Mộ cát táng ở quê nhà Hậu Xá.
Cụ Quang Diệu dáng người thanh tú, râu tóc tươi tốt, tính tình hiền hậu, văn vẻ, học vấn uyên thâm, năm 20 tuổi đỗ Hiệu Sinh. Cuối đời Tây Sơn, trong xã bầu Cụ ra làm Xã Trưởng. Cụ ra tỉnh nộp thuế, gặp lúc loạn, chưa kịp lấy biên lai thì phải về làng, nhà bị tàn phá, cướp bóc không còn gì. Khi trong nước đã bình yên, triều đình Nguyễn cứ chiếu sổ đòi thuế, Cụ phải bán hết ruộng vườn để nộp đậy cho làng. Cơ nghiệp còn hơn một mẫu, Cụ để lại cho bà vợ lẽ họ Phan và con là Văn Sâm. Cụ và bà vợ cả họ Lê và con trai Nguyễn Đình Tu, xuống Nam Định ở phố Cửa Tiền, lập kế sinh nhai (Sau hai em Cụ cũng theo xuống Nam Định lập nghiệp).
Cụ Bà họ Lê, hiệu Từ Ôn. Sinh năm Mậu Dần 1755, mất ngày 18 tháng 8 năm Canh Thìn 1818, thọ 63 tuổi. Mộ cát táng ở quê nhà Hậu Xá.
ĐỆ NHỊ ĐẠI

Cụ Nguyễn Đình Tu, hiệu Phúc Hoàn.
Sinh năm Giáp Dần 1791 mất ngày 13 tháng 6 năm Ất Sửu (1864), thọ 73 tuổi. Mộ cát táng ở quê nhà Hậu Xá.
Cụ nối tiếp cơ nghiệp mới di cư, lấy cần kiệm duy trì trong gia đình, tinh về nghề thuốc, cho thuốc không lấy tiền, bổn tính rất trung hậu.
Cụ Bà nhũ danh Nguyễn thị Đồn, quán xã Bách Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mất ngày 26 tháng 12 không rõ năm nào, thọ 63 tuổi. Mộ cát táng ở quê nhà Hậu Xá.
Hai cụ sinh hạ ba con, hai trai một gái:
Trưởng nam: Nguyễn Đại Hữu.
Thứ nam: Nguyễn Quang Khiêm.
Thứ nữ: Nguyễn thị Tam.
ĐỆ TAM ĐẠI

1- Nam tử: Cụ Nguyễn Đại Hữu, tự Khắc Tráng, hiệu Nguyên Cát.
Ngày giỗ 12 tháng 8, không rõ năm nào. Mộ táng ở Nam Định xã Gia Hòa, xứ Đồng Miếu. Ngôi mộ này đã phát, nhưng bị sái, vì con đê đắp ngang làm thương tổn, nên trong nhà có gấp khúc, tuy nhiên cũng chớ nên cải táng.
Cụ thông minh học giỏi, sĩ phu trong vùng ai cũng kính phục nhưng chẳng may mất sớm, mới hơn 30 tuổi, chưa đỗ đạt và mất trước cụ thân sinh.
Cụ Bà Chính thất họ Ngô vi húy Nhã, hiệu Diệu Cảnh. Họ Ngô vi là một họ lớn ở Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Cụ mất ngày 14 tháng 12, giờ Sửu năm Mậu Dần (1878), thọ 63 tuổi. Mộ Cụ trước táng ở Cồn Tú Văn, xã Gia Hòa, đến năm Nhâm Thìn, cải táng về huyện Vụ Bản, xã Lương Kiệt, Thượng thôn, xứ Trù Đồng, gần con đê, gọi là khu Bồng Bồng, lấy hướng Đinh làm hướng Cấn, gồm 3 phân về hướng Dần, ở dưới hướng về Sửu, có nước chảy. Nơi đây đặt thành phần mộ kiên cố và sẽ tiếp phúc cho họ Nguyễn muôn đời. Con cháu sau này không được tự ý thiên cải, sẽ đắc tội bất hiếu. Chỗ đất này đã xin với xã sở tại làm mộ, đã có chấp chiếu của quan trên, không ai được xâm chiếm và chôn táng.
Cụ tính thẳng, ưa làm việc phúc đức. Khi Cụ ông mất, nhà thì nghèo, Cụ một mình gánh vác việc nhà, trên có cha mẹ chồng, dưới có ba con.
Một trai Nguyễn Quý Công tự Tuyên. Hai gái: Thị Liên lấy Cử Nhân họ Bùi Tiến Tiên. Thị Ngân lấy Ấm Sinh Nguyễn Địch Lộng. Sau đó Cụ buôn bán thịnh vượng, trong họ cho là mộ Cụ ông phát. Cụ thường khuyên con (Cụ Tuyên) nên đôn đốc cho các cháu học hành. Nhờ đức của Cụ nên sau có hai cháu Cụ đỗ Tú Tài.
Cụ Nguyễn Dụng Tân đỗ khoa Bính Tuất (1886), năm Đồng Khánh nguyên niên.
Cụ Nguyễn Văn Thự (anh cả) đỗ năm Mậu Tý (1888), năm Đồng Khánh thứ 3.
2- Nam tử: Cụ Nguyễn Quang Nghiêm.
Cụ làm Thư Lại ở dinh Tổng Đốc Nam Định, rồi bổ làm Đề Lại huyện Quỳnh Côi, Thái Bình. Cụ mất ngày 4 tháng 5, không rõ năm nào. Mộ đã cải táng mang về Hậu Xá. Chính thất của Cụ, tên là Thái thị Điền, cô ruột của bà Thông Cầu (mẹ cô Tham Mẫn), người xã Nghi Tàm. Thứ thất Cụ tên là Nguyễn thị Yến. Cả 2 Cụ đều không có con.
3- Nữ tử: Cô tổ Nguyễn thị Tam.
Cụ mất ngày 13 tháng 8, không rõ năm nào. Mộ cải táng mang về Hậu Xá. Cụ có một con gái tên là thị Nhâm, không rõ chồng con thế nào.

* Từ Đệ tam đại trở xuống gia phả được soạn thảo bởi Cụ Nguyễn Dụng Tân (Đệ Ngũ Đại) và Cụ Nguyễn Khánh Đắc (Đệ Lục Đại).